Nếu sự phì đại này ở vùng đáy tâm thất trái, khoảng 2cm dưới van động mạch chủ thì có thể làm tắc nghẽn đường ra thất trái mà mức độ chênh áp có thể xác định được bằng siêu âm doppler liên tục hay thông tim. Thể này được gọi là bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn. Một số tác giả gọi thể này là hẹp do phì đại vô căn dưới van động mạch chủ (stenose hypertrophique sous aortique idiopathique) hay phì đại vách tim lệch tâm tắc nghẽn (hypertrophie septal asymétrique obstructive). Nếu không có dấu hiệu tắc nghẽn (không có chênh áp) thì gọi là bệnh cơ tim phì đại. Cũng có tác giả nhấn mạnh đến dấu hiệu này để phân biệt trong cách gọi: bệnh cơ tim phì đại không tắc nghẽn (cardiomyopathie hypertrophique non obstructive). Bệnh cơ tim phì đại có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều ở độ tuổi 30 và 40. Khoảng 1/3 bệnh nhân có yếu tố gia đình. Thường phối hợp với các thương tổn khác như hẹp van hoặc trên van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ hay hở động mạch chủ (xem bệnh cơ tim)
TS. Tạ Mạnh Cường |