Đối tượng mắc bệnh
Blốc tim thường xảy ra ở người cao tuổi, người bị xơ vữa động mạch hay có bệnh cơ tim. Cũng có thể gặp ở người bị phì đại tim do tăng huyết áp hay bệnh tim do thấp không được điều trị. Đôi khi gặp chứng blốc tim bẩm sinh ở trẻ em. Blốc tim có thể là hậu quả của việc dùng một số loại thuốc tim mạch gây ảnh hưởng đến hoạt động điện học của tim. Một số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân.
Triệu chứng
Blốc tim cấp I và II thường không gây triệu chứng vì tần số và nhịp tim vẫn được duy trì ở mức khá bình thường. Blốc cấp III gây mệt mỏi, chóng mặt đôi khi ngất xỉu hoặc các triệu chứng của suy tim. Một số trường hợp nặng gây tử vong.
Chẩn đoán
Nhịp tim chậm hơn bình thường hoặc không đều có thể được xác định dễ dàng bằng bắt mạch. Tuy nhiên, điện tâm đồ sẽ cho thấy những hình thái điện học đặc trưng cho từng cấp độ blốc khác nhau (nhiều khi nhịp tim chậm và không đều không phải do blốc tim gây ra). Trong trường hợp blốc tim gây triệu chứng nhưng không thường xuyên nên không phát hiện được khi thăm khám, người thầy thuốc có thể chỉ định việc theo dõi điện tâm đồ liên tục bằng thiết bị Helter.
Điều trị
Phần lớn các trường hợp blốc tim cấp I và ngay cả cấp II không cần điều trị nhất là khi không có triệu chứng. Nếu người bệnh đang sử dụng một loại thuốc tim mạch nào đó, ngưng hoặc giảm liều hoặc thay đổi thuốc đôi khi chấm dứt được hoặc làm giảm mức độ blốc tim. Blốc tim hoàn toàn (cấp III) kéo dài gây triệu chứng cần được cấy máy tạo nhịp tim. Tuỳ thuộc mức độ blốc và loại máy tạo nhịp được sử dụng, máy có thể phát nhịp đều đặn hoặc chỉ hoạt động khi chủ nhịp của tim hoạt động không hiệu quả. Một số máy tạo nhịp được lập trình có thể biến đổi nhịp tim tuỳ theo nhu cầu của cơ thể, chẳng hạn tăng nhịp khi hoạt động và giảm nhịp khi nghỉ ngơi. Blốc tim hoàn toàn thoảng qua trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim có thể được điều trị bằng máy tạo nhịp tạm thời, máy sẽ được tháo ra khi nhịp tim trở về bình thường.
Biến chứng
Phần lớn các trường hợp blốc cấp I và cấp II không gây bất kì trở ngại nào cho cuộc sống người bệnh. Một số trường hợp blốc cấp II và đa số blốc cấp III có nguy cơ gây xỉu, ngất thậm chí tử vong. Nguy cơ của blốc cấp I và II liên quan nhiều hơn với tình trạng bệnh lý nguyên nhân như bệnh mạch vành, bệnh tim do tăng huyết áp.
Dự phòng
Phòng ngừa xơ vữa động mạch và điều trị sớm tăng huyết áp có ý nghĩa dự phòng blốc tim. Khám bệnh định kỳ, đặc biệt đối với người cao tuổi, có thể giúp phát hiện blốc tim trước khi nó gây ra triệu chứng. Nếu đang sử dụng thuốc tim mạch thì cần thay đổi thuốc phù hợp. Phải cân nhắc chỉ định đặt máy tạo nhịp trong trường hợp cần thiết. Từ khi blốc tim ngày càng liên quan nhiều với bệnh mạch vành, lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn ít chất béo, luyện tập thể dục thường xuyên, tránh hút thuốc lá có thể giúp giảm thấp nguy cơ mắc bệnh.
Ths. Phan Đình Phong
Photo: www.brighamandwomens.org |