Quả tim được ví như một máy bơm trong cơ thể, cấu tạo từ những sợi cơ tim. Phía trên của tim là hai tâm nhĩ và phía dưới là hai tâm thất. Giữa tâm nhĩ và tâm thất là hệ thống van nhĩ thất. Van nhĩ thất bên trái là van hai lá, van nhĩ thất bên phải là van ba lá. Tim bên phải (tim phải) nhận máu nghèo oxy từ các tĩnh mạch trở về và tâm thất phải bơm máu lên phổi qua van động mạch phổi. Tại đây máu thải khí các bô nic và nhận oxy trở thành máu đỏ tươi giàu oxy. Sau đó máu trở về tim trái qua hệ thống tĩnh mạch phổi. Máu giàu oxy được tâm thất trái bơm qua van động mạch chủ vào hệ thống động mạch và toả đi khắp nơi trong cơ thể, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các cơ quan thông qua hệ thống mạch nhỏ gọi là mao mạch. Mao mạch cũng chính là mạng lưới nối giữa hệ thống động mạch và hệ thống tĩnh mạch. Tim, động mạch, mao mạch và tĩnh mạch là những thành phần cấu tạo nên hệ tuần hoàn.
Mặc dù ở người trưởng thành, quả tim chỉ có kích thước to hơn nắm tay, nặng từ 200 gam (ở nữ) đến 300 gam (ở nam) nhưng khối lượng công việc nó phải đảm bảo thật nặng nề. Mỗi phút quả tim co bóp từ 60 - 80 lần để bơm vào động mạch từ 5 - 6 lít máu. Nếu tim ngừng đập 4 phút, não bộ con người có thể tổn thương không hồi phục (mất não).
Có thể hình dung quả tim của chúng ta như một người công nhân hay một người nông dân cần cù, chịu thưong, chịu khó, cần kiệm và không đòi hỏi quyền lợi cho bản thân mình. Có thể coi đây là một ví dụ: cơ tim người bình thường tiếp nhận khoảng 250 - 300 ml máu mỗi phút thông qua các nhánh động mạch vành, chiếm khoảng 5% cung lượng tim, trong khi đó một quả thận có khối lượng tương đương 300 gam mỗi phút nhận 1400 ml máu tương ứng với 23% cung lượng tim. Thế nhưng hiệu suất tiêu thụ oxy của cơ tim lại rất cao. Nồng độ oxy trong máu tĩnh mạch vành (lượng oxy còn lại sau khi đã được cơ tim sử dụng) chỉ còn 5 - 7 thể tích %. Lượng oxy trong máu tĩnh mạch vành có thể nói thấp nhất so với lượng oxy của máu tĩnh mạch đi ra từ các cơ quan khác trong cơ thể. Khi bị stress, lượng máu vào động mạch vành và nhu cầu tiêu thụ oxy của cơ tim tăng lên 6 - 7,5 lần. Lúc này lượng oxy trong máu tĩnh mạch vành còn lại chỉ bằng 0.
Là một cơ quan quan trọng, công suất làm việc cao và bị chi phối hoạt động bởi nhiều yếu tố về thần kinh và thể dịch nên muốn có một trái tim khoẻ mạnh, chúng ta phải luôn luôn giữ gìn và bảo quản trái tim như một vật vô giá. Ngoài những bệnh tim có ngay từ bào thai (bệnh tim bẩm sinh), trong quá trình phát triển, trưởng thành và già hoá của cuộc đời con người, trái tim có thể gặp những 4 tình trạng bệnh lý sau:
- Suy mạch vành: động mạch vành cấp máu cho tim bị tắc nghẽn bởi mảng vữa xơ gây nhồi máu cơ tim, suy tim.
- Loạn nhịp tim: hệ thống điện học điều khiển hoạt động co bóp của tim bị rối loạn.
- Bệnh van tim: một hoặc nhiều van tim không hoạt động bình thường, hay gặp nhất ở nước ta là do thấp tim gây hẹp, hở van hai lá và/hoặc hẹp, hở van động mạch chủ.
- Tổn thương cơ tim: Cơ tim bị tổn thương do viêm cơ tim (vi khuẩn, vi rút), cơ tim giãn do nhiễm độc mạn tính (rượu) hay do một số tác nhân khác làm cơ tim dày và giãn (tăng huyết áp, bệnh van tim do thấp)...
điều chỉnh 8 yếu tố sau có thể bảo vệ được quả tim:
1. Hút thuốc lá
2. Rối loạn các thành phần mỡ trong máu
3. Tăng huyết áp
4. Tiểu đường
5. Béo bụng (vòng bụng trên 102 cm ở nam và trên 88 cm ở nữ
6. Stress
7. ăn ít trái cây
8. ăn ít táo
9. Hoạt động thể lực hàng ngày không đầy đủ
Nhìn chung 9 yếu tố này là nguyên nhân của 90% cơn đau thắt ngực lần đầu đối với người dân ở khắp nơi trên thế giới. Điều này chứng tỏ, đối với những nền kinh tế và văn hoá khác nhau, phòng chống bệnh tim mạch nói chung đơn giản và không quá khó để thực hiện.
Hút thuốc lá làm huyết áp tăng từ 5 - 10 mmHg và kéo dài 15 - 30 phút sau khi hút thuốc. Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ của hệ tim mạch và làm bệnh tim tiến triển nặng hơn. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh động mạch chi dưới ở người hút thuốc lá cao hơn rõ rệt so với người không hút thuốc lá. Không hút thuốc lá giúp loại trừ và làm giảm đi những nguy cơ đối với hệ tim mạch.
Người bệnh tăng huyết áp không ăn các loại thức ăn có chứa nhiều muối như da muối, cà muối, cá biển... Ăn giảm muối có thể góp phần làm huyết áp giảm đi 5 mmHg. Mặt khác cũng nên hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật như tim, gan, thận, lòng lợn, tiết canh, não, da các loại gia cầm vì những loại thức ăn này thường gây rối loạn lipid máu mà biểu hiện là lượng cholesterol, tryglycerides, LDL - cholesterol tăng cao. Rối loạn lipid máu cũng là một yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng. Tăng huyết áp và rối loạn lipid máu sẽ làm gia tăng các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, vữa xơ động mạch. Giảm 1% nồng độ cholesterol máu sẽ làm giảm 2 - 3% nguy cơ mắc bệnh mạch vành và cứ giảm mỗi một mmHg huyết áp tâm trương sẽ làm giảm 2 - 3% nguy cơ bệnh mạch vành và cứ giảm 5 mmHg huyết áp tâm trương làm giảm 35 - 40% nguy cơ đột quỵ não. Những con số này cho thấy rõ lợi ích của việc phòng ngừa, phát hiện và điều chỉnh đồng thời tăng huyết áp và rối loạn các thành phần mỡ trong máu.
Phát hiện và điều trị tăng đường máu (bệnh tiểu đường) là một trong những lưu ý hàng đầu nhất là khi người bệnh bị tăng huyết áp. Người ta thấy 20% bệnh nhân tiểu đường týp 1 (phụ thuộc insulin) và 70% ở bệnh nhân tiểu đường týp 2 (không phụ thuộc insulin) bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp phối hợp với tiểu đường làm tăng biến chứng mạch máu lên nhiều lần và đi kèm theo đó nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành, suy tim và tai biến mạch não cũng tăng cao.
Hoạt động thể lực đúng mức là một biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa bệnh lý tim mạch. Ngay cả những người mắc bệnh tim mạch cũng không nên từ bỏ hoạt động này, tất nhiên hoạt động thể lực đối với họ phải đảm bảo an toàn, không gắng sức và không mang tính thể thao. Khoa học đã chứng minh rằng một bệnh nhân tăng huyết áp nếu không hoạt động thể lực thì số đo huyết áp có thể tăng thêm từ 20 - 50% so với những bệnh nhân tăng huyết áp hoạt động thể lực đều đặn. Đi bộ, đi xe đạp, bơi lội là những hình thức tập luyện tốt rất nên được khuyến khích thực hiện.
Chế độ ăn bổ sung muối kali giúp giảm huyết áp, rất có lợi cho những bệnh nhân tăng huyết áp. Những thức ăn có nhiều kali đó là thịt, cá, trứng, sữa, đậu cô ve, táo, nho khô, hạt dẻ, cam, chuối. Tuy nhiên những người đang điều trị bằng các thuốc lợi tiểu giữ kali nên thận trong khi sử dụng chúng.
Can xi cũng có công dụng tương tự. Muối can xi bổ sung thêm trong khẩu phần dinh dưỡng giúp giảm mức độ tăng huyết áp cho người bệnh. Thức ăn giầu can xi đó là sữa, phô mai, trứng cá, những loại trái cây có dầu như dừa, các loại đậu, ngũ cốc, thanh long.
Nghiện rượu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc và hoạt động của tim. Cơ tim bị nhiễm độc do rượu làm buồng tim to, giảm sức co bóp dẫn đến suy tim. Ngoài ra uống rượu làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim. Người mắc bệnh tim và tăng huyết áp không nên uống rượu nhiều và thường xuyên. Tuỳ theo từng trường hợp, người bệnh có thể được uống một ngày không quá 100 ml rượu vang đỏ hoặc không quá 200 ml bia nhưng phải có ý kiến của bác sĩ.
TS. Tạ Mạnh Cường