Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy ơstrogen có ảnh hưởng tới chuyển hoá lipides và gián tiếp qua trung gian chuyển hoá này tác động tới hệ thống mạch máu. Trong số người bình thường, nữ giới trong độ tuổi hoạt động sinh dục có tỷ lệ triglycérides thấp hơn so với nam giới. Sau khi mãn kinh, sự khác biệt này dần dần mất đi: lượng triglycérides và lipoproteine tỷ trọng thấp trong huyết tương của phụ nữ tăng dần và tiến gần đến giá trị bình thường của nam giới. Người ta cho rằng ơstrdiol gây tác động lên quá trình tổng hợp triglycérides của gan và làm cho lượng triglycérides của phụ nữ thấp. Ngược lại, khi dùng ơstrogen tổng hợp theo đường uống lại làm tăng triglycérides máu. Cách thức ơstrogen được vận chuyển vào gan (theo đường tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch dưới gan) và cấu trúc hoá học của ơstrogen (tổng hợp hay tự nhiên) hình như gây ảnh hưởng rất khác nhau đối với chuyển hoá triglycérides.
Đi cùng với những thay đổi về chuyển hoá lipides, người ta nhận thấy vữa xơ động mạch có xu hướng gia tăng ở phụ nữ mãn kinh và vữa xơ động mạch vành là loại vữa xơ động mạch nguy hiểm nhất. Trước tuổi 45, người ta thấy nam giới bị vữa xơ động mạch vành nhiều hơn nhưng sự vượt trội này cũng dần giảm xuống : mãn kinh hình như đã làm mất đi sự miễn dịch tương đối của giới nữ đối với vữa xơ mạch vành. Một số nhà nghiên cứu còn nhận thấy, bệnh động mạch vành phát triển nhiều ở những phụ nữ vai to, da dày, có hệ lông phát triển kiểu nam giới. Thể tạng này có thể do tăng bài tiết lượng hóc môn nam giới.
Hậu quả của vữa xơ động mạch là gây hẹp lòng động mạch. Đối với động mạch vành, khi lòng mạch bị hẹp từ 50% trở lên thì cơ tim sẽ bị thiếu máu nuôi dưỡng. Biểu hiện lâm sàng thường gặp của thiếu máu cơ tim là cơn đau thắt ngực. Cơn đau có thể xuất hiện khi gắng sức hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi, kéo dài từ 3 đến 10 phút. Vị trí đau thường ở phần cao của lồng ngực, sau xương ức, lan lên cổ hoặc vai, lan xuống cánh tay trái, thậm chí đau có thể lan xuống cả ngón tay. Khi gặp cơn đau như vậy, người bệnh nên đến khám tại chuyên khoa tim mạch để tránh một biến cố tim mạch nặng nề là nhồi máu cơ tim.
Đối với các động mạch chi dưới, hẹp lòng mạch do vữa xơ cũng gây thiếu máu các bắp cơ được chi phối bởi động mạch liên quan. Lâm sàng xuất hiện một dạng đau gọi là ‘‘đau cách hồi’’: khi đi bộ một quãng đường (từ vài mét đến vài trăm mét), người ta buộc phải dừng lại vì đau. Cơn đau kiểu chuột rút, bắp cơ co cứng và hết đi sau vài phút nghỉ ngơi, sau đó lại xuất hiện nếu tiếp tục đi ... Lúc này sự thăm khám chuyên khoa cũng là một việc nên làm.
Vào giai đoạn mãn kinh, điều trị bằng hóc môn thay thế là một biến pháp hợp lý vì phương pháp điều trị này giúp cho cơ thể có thêm các hóc môn buồng trứng ngoại sinh. Lượng hóc môn này có tác dụng bù lại những khiếm khuyết, những hậu quả về sinh hoá và lâm sàng do thiếu hụt các hóc môn sinh dục steroides nội sinh gây ra. Nó có thể làm bớt đi những rối loạn hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, các cơn bốc hoả, nóng bừng, vã mồ hôi có thể thuyên giảm và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ được cải thiện tốt hơn. Thế nhưng trị liệu này có làm giảm tai biến mạch do vữa xơ động mạch (nhất là vữa xơ động mạch vành) hay không, cho đến nay vẫn chưa được khẳng định. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, điều trị những rối loạn chuyển hoá lipides máu (nếu có) sẽ làm giảm đi một cách có ý nghĩa những biến cố tim mạch do vữa xơ động mạch (suy vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não...) giúp kéo dài tuổi thọ con người. Trong cách thức điều trị rối loạn chuyển hoá lipides máu, chế độ ăn mà mỗi người chúng ta thực hiện đóng một vai trò hết sức quan trọng. Người bị tăng triglycérides và/hoặc cholestérol máu không nên ăn các loại phủ tạng động vật (tim, gan, thận, lòng, tiết, não), hạn chế mỡ động vật, nên ăn dầu thực vật và có thể ăn nhiều cá nước ngọt thay cho lượng trứng, thịt nên giảm đi. Một điều không quên là phải tăng cường vận động, tránh lối sống quá tĩnh tại, bó hẹp trong căn nhà hoặc quanh bàn làm việc của mình suốt cả một ngày.
TS. Tạ Mạnh Cường
Photo: google.com.vn